Nhiều công trình an toàn đường sắt còn bất cập do thiếu vốn sửa chữa
Từ năm 2014, thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ đường sắt (Kế hoạch 994), gần 1.000 đường ngang đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng do thiếu vốn, hiện vẫn còn 3.279 lối đi tự mở và một số đường ngang tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Cần 400 tỷ bổ sung tín hiệu
Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Trần Anh Tuấn, từ năm 2015 - 2023, Nhà nước đã bố trí khoảng 1.624 tỷ đồng nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 993 đường ngang.
Trong đó, ngành Đường sắt đã triển khai thi công và đưa vào khai thác sử dụng 226 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, sửa chữa đường ngang hợp pháp nhưng vi phạm điều lệ đường ngang; 402 đường ngang thuộc dự án nâng cấp, cải tạo đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; 365 đường ngang thuộc dự án sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin tín hiệu đối với 566 đường ngang có gác.
Với 184 đường ngang còn lại, theo ông Trần Anh Tuấn, kế hoạch ban đầu việc lắp đặt bổ sung tín hiệu phải hoàn thành trong năm 2023 song vốn chưa bố trí đủ. Các đường ngang này hầu hết là giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị ở khu vực dân cư đông đúc, có mật độ phương tiện giao thông lớn. Trường hợp xảy ra tai nạn, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn 184/566 đường ngang cần thiết phải sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành bố trí vốn triển khai thực hiện đối với 184 đường ngang này để hoàn thành trong năm 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sau đó đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan bố trí đủ nguồn kinh phí trong năm 2024 để hoàn thành sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang, chậm nhất trong năm 2025.
Theo ông Trần Anh Tuấn, dự kiến sẽ cần khoảng 400 tỷ đồng để hoàn thiện việc đầu tư, lắp đặt bổ sung tín hiệu.
Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, Nhà nước chỉ bố trí nguồn vốn hoạt động kinh tế đường sắt để triển khai thực hiện nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang. Các dự án, công trình ATGT khác theo Kế hoạch 994 không được bố trí vốn.
Vì vậy các mục tiêu, nội dung thực hiện đối với lĩnh vực đường sắt chưa được thực hiện, hoàn thành như: Giải tỏa, đền bù hành lang ATGT đường sắt; Cắm mốc hành lang ATGT đường sắt trên tất cả các tuyến; Xây dựng, hệ thống đường gom và hàng rào cách ly; Dự án xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt.
Nguồn: Kinhtedothi